Câu trả lời ngắn gọn nhất là khi xe cần đến một bình điện mới, tuy nhiên trong mỗi tình huống lại có những biểu hiện khác nhau.
Nếu bảo dưỡng thường xuyên, hệ thống nạp làm việc hiệu quả, tuổi thọ của ắc-quy có thể kéo dài tới 160.000 km tương đương 8 năm sử dụng. Thực tế tuổi đời của chúng chỉ khoảng 3 – 5 năm. Tất nhiên khi kết thúc vòng đời sử dụng, ắc-quy cần được thay thế.
Ắc-quy làm nguồn dòng cung cấp điện trên xe khi động cơ không hoạt động như hệ thống chiếu sáng. Nhiệm vụ nặng nề nhất là kéo mô-tơ khởi động giúp trục khuỷu đạt vận tốc đủ lớn. Vì thế khi xe không nổ máy, đèn sáng yếu, hoặc đèn tín hiệu trên bảng táp lô sáng không ổn định thì nguyên nhân đầu tiên nên được nghĩ đến là do hết điện.
Ở trạng thái không có phụ tải mà điện áp giữa 2 cọc dưới 12 V thì ắc-quy gặp vấn đề về khả năng phóng – nạp. Một số trường hợp chỉ mất khả năng khởi động tạm thời vì bình hết điện hoặc quá khô không thể nạp. Cách đơn giản để khắc phục là bổ sung nước cất và tiến hành sạc lại theo phương pháp ổn dòng (dòng điện không đổi). Phương pháp này có thể sạc “no” nhưng đòi hỏi thời gian sạc kéo dài gấp nhiều lần so vơi sạc ổn áp (điện áp không đổi). Về mặt lý thuyết, nếu bình được nạp no, điện áp ra của bình có thể đạt 13,5 – 14,2 V.
Trước khi lắp ắc-quy trở lại cần kiểm tra hệ thống nạp và đảm bảo rằng chúng làm việc tốt. Trong rất nhiều tính huống ắc-quy bị chết là do trục trặc ở hệ thống nạp, quá trình nạp không diễn ra thường xuyên khiến các điện cực vị chai nhanh. Sau một vài ngày sử dụng tiến hành kiểm tra lại bình, nếu điện áp ra lại dưới 12 V thì lúc này cần một chiếc mới.
Bên cạnh đó, nếu cọc bình, điện cực mòn quá nhiều hoặc xuất hiện vết nứt trên vỏ bình cần thay thế ngay lập tức. Kết nối với cọc bình kém thường khiến hệ thống điện của xe làm việc chập chờn, giảm tuổi thọ. Dung dịch axít rò rỉ ra ngoài có thể ăn mòn các chi tiết của xe.
Nguồn: vnexpress